Tổ đỉa là bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở người lớn và trẻ em, kể cả phụ nữ mang thai. Các triệu chứng nhận biết bệnh như nổi mụn nước trên vùng da tay hoặc chân. Tuy không quá nguy hiểm tới sức khỏe nhưng bệnh gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tới công việc và khiến nhiều người trở nên tự ti, ngại giao tiếp. Vậy bênh tổ đỉa là gì? Nguyên nhân mắc bệnh là do đâu và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Phòng khám da liễu Dr HS tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bệnh tổ đỉa là gì?
Bệnh tổ đỉa là một trong những thể lâm sàng của bệnh chàm – eczema. Bệnh lý này xuất hiện mụn nước sâu trong cấu trúc da, dày cứng, khó vỡ, mọc rải rác hoặc tập trung thành từng cụm ở lòng bàn tay và bàn chân. Tổ đỉa có tính chất dai dẳng, dễ phát triển thành mãn tính và tái phát nhiều lần.
Nguyên nhân mắc bệnh tổ đỉa thường gặp?
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm khởi phát bệnh bao gồm:
- Nhiễm liên cầu khuẩn và vi khuẩn Proteus: Liên cầu khuẩn và vi khuẩn Proteus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột ở người. Độc tố từ các loại vi khuẩn này có thể kích thích bệnh tổ đỉa và một số bệnh da liễu mãn tính bùng phát.
- Nhiễm nấm kẽ chân: Tổn thương do chàm tổ đỉa có thể khởi phát khi vùng da chân bị nhiễm nấm. Theo lý giải từ các nhà khoa học, vi khuẩn nấm ăn mòn và làm hư hại tế bào sừng khiến da suy yếu và dễ bị kích thích khi có ma sát hoặc tiếp xúc với dị nguyên.
- Dị ứng thuốc và hóa chất: Khi có phản ứng dị ứng, hệ miễn dịch có xu hướng tăng IgE trong huyết tương, hoạt hóa các tế bào tiền viêm, giải phóng chất trung gian vào da và niêm mạc. Các chất trung gian này chính là yếu tố kích thích tổ đỉa bùng phát. Trong trường hợp khởi phát do hóa chất, tổn thương do tổ đỉa có thể đi kèm với viêm da tiếp xúc kích ứng.
- Các yếu tố khác: Ngoài các yếu tố trên, bệnh tổ đỉa còn có thể bùng phát do một số nguyên nhân khác như tăng tiết mồ hôi ở chân, tay, rối loạn nội tiết, căng thẳng thần kinh, suy giảm miễn dịch, thời tiết…
Cách điều trị bệnh tổ đỉa hiệu quả
Điều trị bệnh tổ đỉa chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tái phát. Nếu điều trị kịp thời và đúng cách, biểu hiện tình trạng phát mụn nước, mụn mủ có thể thuyên giảm chỉ sau khoảng vài ngày. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến cho bệnh nhân tham khảo.
Thuốc bôi trị tổ đỉa
Thuốc bôi có thể điều trị bệnh tổ đỉa tại chỗ bằng cách ngăn ngừa bội nhiễm và giảm mụn nước. Tuy nhiên, bác sĩ phải dựa vào giai đoạn phát triển của bệnh, tình trạng triệu chứng và cơ địa từng người để chỉ định thuốc bôi phù hợp. Các loại thuốc bôi tổ đỉa thường được sử dụng gồm có:
- Dung dịch bạc nitrat 0.5%: Dung dịch bạc nitrat 0.5% có tác dụng làm dịu và sát khuẩn nhẹ. Loại thuốc này được sử dụng khi nút mụn nước mới phát, còn nhẹ và chưa nghiêm trọng nhằm mục đích giảm viêm cũng như ngừa nhiễm trùng.
- Dung dịch Milian hoặc tím Methyl 1%: Trong trường hợp, các nốt mủ xuất hiện, bệnh nhân mắc bệnh tổ đỉa có thể sử dụng dung dịch tím Methyl 1% hoặc Milian để diệt khuẩn và bảo vệ da.
- Thuốc bôi corticoid: Các loại thuốc bôi chứa corticoid có thể kể đến như Tempovate, Flucinar, Dermovate…. Thuốc có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng và giảm ngứa ngáy hiệu quả nên được sử dụng điều trị tổn thương do mụn nước bệnh tổ đỉa.
- Thuốc bôi kháng sinh: Trường hợp nốt mụn mủ có nguy cơ nhiễm trùng cao, bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc kháng sinh dùng điều trị bệnh tổ đỉa. Mục đích là giảm tổn thương, ngăn ngừa viêm nhiễm và gây hoại tử da.
- Thuốc kháng nấm: Thuốc kháng nấm được sử dụng trong trường hợp tổ đỉa có biến chứng nhiễm nấm hoặc khởi phát do nấm kẽ chân. Vi nấm ở chân có nguy cơ tái nhiễm cao nên khi sử dụng, cần tuân thủ liều lượng, tần suất và thời gian được bác sĩ chỉ định.
- Thuốc bôi chứa acid salicylic: Acid salicylic có tác dụng sát trùng nhẹ và bạt sừng nên được sử dụng để điều trị bệnh tổ đỉa. Bệnh nhân khi sử dụng loại thuốc bôi chứa hoạt chất này tình trạng da khô, bong tróc và dày sừng sẽ thuyên giảm đáng kể.
Thuốc uống điều trị tổ đỉa
Trong trường hợp cần thiết, bệnh tổ đỉa có thể điều trị bằng cách sử dụng 1 trong các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng histamin tổng hợp: Histamin trong hệ miễn dịch có thể gây ngứa ngáy dai dẳng. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng histamin tổng hợp như Cetirizin, Clorpheniramin, Loratadin… để giảm ngứa do bệnh tổ đỉa.
- Thuốc corticoid: Trong trường hợp điều trị tại chỗ không hiệu quả, vùng da bị bệnh tổ đỉa tổn thương, có dấu hiệu bùng phát mạnh, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng corticoid trong 5 – 10 ngày. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng đường huyết, loãng xương, suy tuyến thượng thận…nên bệnh nhân không nên lạm dụng mà hãy tuân thủ hướng dẫn bác sĩ.
- Kháng sinh: Trong trường hợp bội nhiễm da nặng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để uống. Kháng sinh được dùng trong điều trị bệnh tổ đỉa bội nhiễm chủ yếu là nhóm penicillin.
- Thuốc kháng nấm: Griseofulvin là loại thuốc kháng nấm được sử dụng khi bệnh tổ đỉa có hiện tượng nhiễm nấm. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc gây ảnh hưởng đến gan, thận và chức năng sinh lý.
Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tổ đỉa. Biện pháp này sử dụng tia UV nhân tạo kết hợp với thuốc Sporal nhằm làm giảm viêm, tình trạng ngứa ngáy hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp này thường được áp dụng cho các bệnh nhân gặp tác dụng phụ nặng với thuốc hoặc không hiệu quả khi điều trị tại chỗ. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như tăng sắc tố, nổi phỏng nước, thúc đẩy tốc độ lão hóa da…
Trên đây, Phòng khám da liễu Dr HS đã giúp bạn hiểu rõ bệnh tổ đỉa là gì. Đồng thời chỉ ra nguyên nhân và một số cách điều trị phổ biến. Nếu đang gặp các vấn đề về da, hãy đến phòng khám chúng tôi để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị nhanh, hiệu quả nhất.